Anh Tú Wilson: Hành trình từ những cú nhào lộn đường phố đến thảm đỏ Busan

Không qua trường lớp bài bản, không có sẵn cơ hội trong tay, Anh Tú Wilson – chàng trai từng lăn xả trên sân diễn đường phố đã dần bước vào những khung hình điện ảnh lớn, từ vai diễn đầu tay trong Ròm (bộ phim đoạt giải New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019) đến các dự án nổi bật gần đây như Lật Mặt 8, Địa Đạo. Với những tuyến nhân vật đặc sắc và phần thể hiện ấn tượng, Anh Tú Wilson được nhìn nhận như một gương mặt triển vọng của màn ảnh Việt. 

Song, ít ai biết rằng, câu chuyện của chàng trai sinh năm 1998 lại có phần đặc biệt, khi bắt đầu đam mê từ những vòng bánh xe đạp cũ hơn chục cây số mỗi ngày để theo đuổi bộ môn thể thao mạo hiểm – Parkour (thể thao đường phố thiên về kỹ thuật nhào lộn, bật nhảy trên khoảng không để vượt chướng ngại vật, đòi hỏi cơ thể dẻo dai và tinh thần liều lĩnh). Vừa qua, Anh Tú Wilson có dịp chia sẻ cùng The Momentous Life về hành trình thú vị này. 

Lấn sân điện ảnh từ nhào lộn đường phố – Một khởi đầu không giống ai

* Chào Anh Tú Wilson, được biết trước khi bén duyên với điện ảnh, anh từng theo đuổi bộ môn Parkour một cách rất nghiêm túc. Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình đó? Trải nghiệm với Parkour đã ảnh hưởng như thế nào đến cách anh tiếp cận và phát triển kỹ năng diễn xuất sau này?

Anh Tú Wilson: Thật ra mình bắt đầu tập Parkour từ năm 2012. Cho tới tận bây giờ, những kỹ năng và tinh thần từ bộ môn ấy vẫn là một phần quan trọng, hỗ trợ trong công việc diễn xuất của mình. Mình thấy may mắn, hay nói vui là “trộm vía”, vì đã có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho phép mình ứng dụng những gì đã học và rèn luyện từ Parkour. Tuy vậy, mình cũng không khỏi lo lắng. Lỡ như một ngày nào đó, cơ thể không còn đủ sức để chạy nhảy, bật nhảy, nhào lộn như xưa… thì lúc đó mình sẽ ra sao? Điều đó từng khiến mình băn khoăn rất nhiều.

Với mình, Parkour không chỉ đơn thuần là một bộ môn thể thao. Nó là thứ đầu tiên và đến nay vẫn là môn duy nhất mà mình theo đuổi một cách nghiêm túc và lâu dài. Và cũng chính từ Parkour, mình mới có được cơ duyên mới để bước vào con đường điện ảnh. Mình tự hào vì có thể sử dụng nó như một phần trong hành trình làm nghề của mình. Thành thật mà nói, không nhiều diễn viên có thể làm được những điều như vậy ở thời điểm này. Và điều đó ít nhiều cũng là động lực để mình tiếp tục gìn giữ và phát triển những gì Parkour đã mang lại.

anh-tu-wilson

* Anh có gặp điều gì khó khăn trong quá trình theo đuổi bộ môn Parkour?

– Điều khó khăn nhất với mình có lẽ là tìm được địa điểm và cộng đồng để tập Parkour trong những ngày đầu. Thật sự, lúc đó mình hoàn toàn không biết phải bắt đầu từ đâu, tìm kiếm thông tin ở chỗ nào. Mạng xã hội khi ấy còn chưa phổ biến như bây giờ.

May mắn thay, cơ duyên đến từ một lần tình cờ xem truyền hình. Chỉ là một đoạn chương trình vỏn vẹn khoảng 3 phút, nhưng không hiểu sao lúc ấy mình như bừng sáng. Giống như cảm giác ‘À, đây chính là thứ mình đang tìm kiếm!’ Nghĩ lại, nếu hôm đó mình bận đi ăn hay đi chơi đâu đó, chắc có lẽ không có mình như bây giờ. Vậy nên với mình, khoảnh khắc đó như một sự sắp đặt. Và bước đầu tiên là… ra tiệm net tra cứu thông tin. Mình quyết tâm theo đuổi Parkour kể từ khi ấy. 

Khó khăn thứ hai là chuyện đi lại. Mình sống ở Bình Chánh, còn chỗ tập lúc đó là ở công viên Lê Thị Riêng, khá xa. Khi ấy mình còn nhỏ, chưa thể đi xe máy, nên chỉ còn cách đạp xe. Cứ mỗi cuối tuần, mình lại đạp xe một mạch từ nhà lên công viên, rồi tập luyện từ sáng đến chiều tối. Mệt, nhưng vui. Vì đó là cách duy nhất để được sống với đam mê của mình thời điểm ấy.

* Đam mê nghệ thuật đường phố, vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với con đường điện ảnh?

– Thật ra, mình nghĩ nó cũng không phải là cái gọi là ‘cơ duyên’ gì to tát cả. Mình vẫn phải tự đi casting như bao người khác. Bộ phim đầu tiên mà mình tham gia chính là Ròm. Hồi đó, bên ê kíp sản xuất có đăng tuyển diễn viên trên fanpage cộng đồng Parkour, nơi mà mình sinh hoạt thường xuyên. Lúc đọc tin, mình giật mình vì thấy… bản thân mình trong vai diễn đó.

Tiêu chí tuyển diễn viên lúc ấy là: nam, dưới 18 tuổi, ốm, gầy, da ngăm đen và chẳng hiểu sao, mình thấy bản thân mình trong cái vai đó một cách rất rõ ràng. Không phải vì cố gắng hình dung cho giống, mà là… vốn dĩ mình đã như vậy rồi. Vậy là mình đăng ký đi casting. Không nghĩ ngợi gì nhiều.

Cũng một niềm vui nho nhỏ khi đó thực sự là một cơ hội vô tình. Ban đầu chỉ nghĩ là quay TVC bình thường thôi nhưng khi lên casting thì mới biết đó là một bộ phim điện ảnh. Thậm chí hơn 1 tháng sau thì mình mới biết vai diễn mà mình casting là vai nam chính của Ròm.

Những lần “làm nền” cho vũ công lại trở thành bệ phóng diễn xuất  

* Vậy chính Parkour là vận may đưa anh đến với điện ảnh?

– Parkour thật ra là một trong những yêu cầu mà phía nhà sản xuất phim đưa ra cho vai diễn. Để nói về may mắn, nếu mình không tập luyện Parkour mà có được vai diễn, thì đấy mới được xem là may mắn 100%. Nhưng thực tế thì khác, mình đã có sẵn Parkour trong người, tập luyện suốt nhiều năm. Thế nên với mình, mọi thứ là 50/50: một nửa là cơ hội, một nửa là sự chuẩn bị. Nếu không có nền tảng đó, có lẽ mình cũng chẳng thể đứng vào vai diễn ngày hôm ấy.

Thú thật, ở thời điểm đó, mình hoàn toàn không biết gì về diễn xuất, cũng không hề nhận ra bản thân có khả năng gì trong lĩnh vực này. Mình chỉ biết rằng trước đó từng đi “làm lính đánh thuê” cho các nhóm dancer, tức là những buổi biểu diễn đường phố, mình thường phụ trách nhào lộn ở phía sau các bạn nhảy. Những động tác đó, những lần “làm nền” ấy tưởng chừng chỉ là phần phụ, nhưng sau này mình mới hiểu, hóa ra đó lại là cái nền vững chắc giúp mình học cách bộc lộ cảm xúc trên sân khấu.

anh-tu-wilson

Thời gian đó thật sự không dễ dàng. Việc đứng trước đám đông để biểu diễn là một chuyện, còn đối diện với ống kính máy quay lại là một thế giới khác. Nó khiến mình bối rối, lo lắng, thậm chí có chút hoảng sợ. Nhưng thật may, bản năng dẫn đường. Bằng cách nào đó, mình vẫn giữ được sự thoải mái, thả lỏng được cơ thể, và biểu đạt những gì vai diễn cần, dù lúc ấy mình vẫn chưa thật sự hiểu rõ “diễn xuất” là gì.

* Trong quá trình làm phim, đã bao giờ anh cảm thấy tự ti vì không qua trường lớp đào tạo bài bản như các diễn viên chuyên nghiệp khác chưa?

– Mình là dân tay ngang, chưa trải qua đủ nhiều các buổi đào tạo chuyên môn như các diễn viên chuyên nghiệp nên sẽ có lúc bản thân gặp nhiều thiếu sót. Chính những thiếu sót ấy cho mình biết mình cần phải làm gì để hoàn thiện bản thân trên con đường sự nghiệp về sau. Dù thế nào mình vẫn rất hài lòng với bản thân vì đã làm hết khả năng có thể. Lúc đóng phim, mình không hề nghĩ mình làm vậy đã đạt hay chưa. Mình chỉ biết diễn, diễn quên không gian thời gian cho đến khi đạo diễn hô lớn “Cắt!”

Mình không phủ nhận thiếu sót của mình hay chối bỏ phê bình của khán giả. Mình đọc kỹ từng chữ, ngẫm nhớ lại từng đoạn trong phim để xem khán giả nói thế đã đúng chưa. Nếu thật sự như vậy, mình rất biết ơn và nhanh chóng ghi nhớ, đúc kết lại kinh nghiệm cho mình ở những vai diễn sau này. Mình còn trẻ, hành trình còn rất dài, bản thân phải không ngừng cố gắng để hoàn thiện từng ngày.

* Vai diễn thành công trong Ròm là bước đệm hay là “cái bóng” tạo áp lực cho những dự án sau này?

– Về thành công sau vai diễn đó, thật lòng mà nói, mình cũng không ý thức rõ ràng được việc đó. Khi ấy mình còn quá nhỏ, và những gì thể hiện được trên màn ảnh hoàn toàn đến từ bản năng. Cái bản năng đơn sơ mà mình có lúc ấy, được dẫn dắt, gợi mở và mài giũa bởi đạo diễn Trần Thanh Huy. Thời điểm đó, mình làm tất cả mọi thứ bằng cảm giác, bằng trực giác, không có toan tính, không phân tích điều gì quá sâu xa. Chỉ đơn giản là đứng vào vị trí, sống với nhân vật, rồi diễn. Mình không nghĩ gì đến chuyện “thành công” hay “diễn giỏi hay dở” cả.

Có lẽ vì vậy mà mình không thật sự cảm nhận được cái gọi là “thành công” của vai diễn ấy. Mình chỉ cảm nhận được niềm vui và tự hào vì bộ phim đã thành công, chứ mình không nghĩ mình đã làm được điều gì lớn lao. Và bởi không nghĩ gì nhiều đến việc đó, nên cũng chẳng thấy áp lực gì sau này. Dù vậy, mình cũng rất biết ơn quãng thời gian đó, biết ơn những gì mà ê kíp Ròm đã mang lại. Những trải nghiệm đầu đời ấy giống như một cú chạm mạnh vào bên trong mình, giúp mình tin vào bản thân hơn, dù cho con đường phía trước vẫn còn khá mông lung.

anh-tu-wilson

Với mình, quan điểm rõ ràng là khi đã nhận một dự án, thì phải cố gắng làm cho thật tốt. Không phải chỉ vì riêng mình, mà còn vì tất cả những người khác trong ê kíp đã dành công sức cho dự án đó. Chỉ cần mình không phụ lòng họ, để mọi người thấy công sức của họ đã bỏ ra cho dự án là không hề lãng phí.

* Vậy với anh, diễn viên là một nghề khó hay dễ?

– Mình nghĩ, đây là một câu hỏi khó. Cái khó, dễ ở đây còn nằm ở cách mỗi người nhìn nhận về nghề diễn. Nếu ai đó chỉ xem diễn xuất là việc học thuộc thoại, đứng trước máy quay và làm theo kịch bản, thì có thể thấy công việc này chẳng có gì phức tạp. Nhưng với mình, diễn xuất là chuyện cốt lõi của một người làm nghề, là cách mình sống cùng nhân vật, hiểu rõ họ, và mang đến cho khán giả một điều gì đó thật sự chân thành.

Và vì vậy, mình luôn coi đây là một trách nhiệm, không chỉ với vai diễn mà mình đang mang, mà còn với cả tập thể đứng phía sau máy quay: đạo diễn, sản xuất, quay phim, ánh sáng, âm thanh, phục trang, make up… Tất cả những người làm nên bộ phim đều đặt rất nhiều tâm sức vào đó và mình không muốn mọi người thất vọng. Chính sự thấu hiểu đó mới là điều khiến nghề diễn trở nên khó. Vì diễn, với mình, chưa bao giờ là chuyện của riêng bản thân.                       

Cảm ơn Anh Tú Wilson đã chia sẻ với The Momentous Life!

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

Editor Pick

Scroll to Top