“Bão” vi nhựa càn quét tại Đông Nam Á

Vi nhựa là gì?

Vi nhựa (microplastics) là các mảnh nhựa tổng hợp có kích thước siêu nhỏ (thường dưới 5 mm), không hòa tan và tồn tại bền bỉ trong môi trường. Chúng được phân thành hai loại chính:

  • Vi nhựa sơ cấp: Được sản xuất với kích thước nhỏ ngay từ đầu, điển hình là các hạt microbead trong mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc sợi vải tổng hợp từ quần áo.
  • Vi nhựa thứ cấp: Hình thành từ quá trình phân rã, bào mòn các sản phẩm nhựa lớn hơn (chai, túi nylon, lốp xe, lưới đánh cá…) dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ, sóng biển và các yếu tố tự nhiên.

Những mảnh nhựa siêu nhỏ này thoạt nhìn có vẻ vô hại, nhưng chúng lại là những “thủ phạm” gây ra các tác hại nghiêm trọng: từ ô nhiễm hệ sinh thái nước, ảnh hưởng đến đất và thực vật cho đến nguy hiểm hơn cả là tác động trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua việc tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là hải sản.

Các chuyên gia y tế và quản lý đã cảnh báo rằng, ngày càng nhiều người dân tại các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với đa dạng rủi ro sức khỏe, từ tổn thương gan đến suy giảm phát triển não bộ, do lượng vi nhựa tiêu thụ trong thực phẩm ngày càng tăng cao.

Theo Widodo Setiyo Pranowo – điều tra viên chính tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, nhận định: “Nếu vi nhựa được cá hấp thụ và sau đó được con người tiêu thụ, điều đó có nghĩa là chúng sẽ tích tụ trong cơ thể con người và điều đó rất nguy hiểm.”

Một nghiên cứu của Đại học Cornell công bố năm ngoái đã xếp hạng mức độ tiêu thụ vi nhựa trung bình hàng tháng của các quốc gia: Indonesia dẫn đầu với 15g/người, tiếp theo là Malaysia với 12g và cuối cùng là Philippines bằng với Việt Nam là 11g.

“Thủ phạm” chính tạo ra “cơn sóng” vi nhựa này chính là các sản phẩm tiêu dùng phổ biến, bao gồm chai nước uống làm từ nhựa Polyethylene Terephthalate (PET) và túi nhựa. Đặc biệt, các gói dùng một lần và không thể tái chế đã góp phần đáng kể vào lượng rác thải nhựa đại dương. Thêm vào đó, rác thải tích tụ tại các bãi chôn lấp cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nhựa phân hủy thành các hạt nhỏ và dễ dàng xâm nhập vào nguồn nước.

Ác mộng” đối với khu vực Đông Nam Á

Những mảnh vi nhựa bên ngoài môi trường

Một nhóm nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện lượng hạt vi nhựa trong não và gan của người được kiểm tra vào năm 2024 cao hơn đáng kể so với trước đây. Báo cáo của CNA cũng chỉ ra rằng khu vực Đông Nam Á dường như là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là hai quốc đảo IndonesiaPhilippines.

Vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn dẫn đến suy giảm nghiêm trọng sức khỏe cho người dân trong khu vực. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa vi nhựa và các căn bệnh liên quan đến suy giảm nhận thức.

Pukovisa Prawiroharjo – nhà thần kinh học từ Đại học Indonesia – khẳng định: “Những người tiếp xúc nhiều với vi nhựa có khả năng gặp các rối loạn nhận thức cao hơn khoảng 36,25 lần… so với những người ít tiếp xúc hoặc có mô hình tiêu thụ vi nhựa thấp.”

Đồng thời, các hạt vi nhựa còn là thủ phạm gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em. Theo John Paul Ner – chuyên gia tư vấn độc học người Philippines tại Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế Bataan: “Mặc dù nhau thai có một hàng rào bảo vệ, không phải tất cả các chất đều có thể được lọc ra. Các hạt rất nhỏ có thể xuyên qua hàng rào nhau thai. Điều này có nghĩa là ngay cả em bé cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm với các hạt nhựa này.”

Thách thức tại khu vực

Vấn đề chính khiến tình trạng vi nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết tại Đông Nam Á bắt nguồn từ văn hóa xử lý chất thải kém ở một số quốc gia.

Điển hình, Phó Giáo sư Deo Florence L Onda từ Đại học Philippines Diliman cho biết: “Hiện nay, Philippines không có quy định yêu cầu các công ty hoặc nhà máy xử lý nước phải giải quyết hoặc loại bỏ vi nhựa.”

Philippines giờ đây không chỉ ứng phó với bão lũ hàng năm mà còn phải đối diện với “cơn bão” vi nhựa khốc liệt hơn. Để ứng phó, nhiều thành phố của Philippines đang tham gia vào các chương trình thưởng cho việc tái chế. Đơn cử, chương trình “Rác lấy Tiền mặt” (Trash to Cashback) đã thu gom hơn 300.000kg chất thải nhựa tính đến năm ngoái, kể từ khi ra mắt vào năm 2021.

Tại Indonesia, chính quyền cũng đang xem xét thực hiện các hướng dẫn mới để cho phép phân loại chất thải nhựa tại các làng, sau đó được các đối tác công nghiệp hoặc tái chế thu gom.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, vấn đề kinh tế và xã hội cơ bản vẫn là nền tảng cốt lõi để tác động đến nhận thức tiêu dùng và hành vi của người dân.

Lý do mọi người tiêu thụ nhựa là vì họ cần thực phẩm, và những loại thực phẩm mà họ có khả năng chi trả lại được đựng trong bao bì nhỏ hơn. Do đó, nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề về mặt kinh tế xã hội, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề về mặt môi trường.

Editor Pick

Scroll to Top